Từ bỏ công việc kỹ sư tại công ty cao su sau hàng chục năm gắn bó, ông Tiến về tập tành nuôi chồn hương. Với lượng chồn hương thành phẩm và cà phê chồn bán mỗi năm, ông Tiến có nguồn thu nhập ổn định khoảng hơn 600 triệu đồng/năm.
Bỏ hết vốn liếng để nuôi chồn hương
Lão nông mà chúng tôi nhắc đến là ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ tổ 4, phường Chi Lăng, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Trang trại nuôi chồn hương của ông nằm biệt lập, bốn bề là những vườn cà phê nối dài. Đón chúng tôi, ông Tiến quần áo dính đầy bùn đất, khẽ cười cho hay: "Mùa mua cỏ tốt um. Tôi đang cắt cỏ nghe các bạn gọi. Tôi đoán chắc không tìm được lối vào, nên chạy vội ra đón".
Rót nước mời khách, tay châm điếu thuốc hít một hơi dài, ông Tiến kể, ông tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kinh tế, sau khi ra trường, ông về công tác tại công ty cao su Mang Yang. Sau đó, ông tiếp tục được luân chuyển về công tác tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Nơi đây là khu vực biên giới hẻo lánh. Ông nhận mức lương ít ỏi khoảng 7 triệu đồng/tháng, vài tuần mới được về thăm nhà một lần. Sau hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng cao su, ông quyết định bỏ việc về Gia Lai lập nghiệp.
Ông Tiến khởi nghiệp với mô hình trang trại chăn nuôi chồn hương.
Năm 2018, qua báo đài, ông thấy mô hình nuôi chồn hương đang phát triển, tại Gia Lai có rất ít người nuôi. Sau một thời gian học hỏi tích luỹ kinh nghiệm qua sách báo, ông đầu tư hết vốn liếng, xây dựng chuồng trại, một mình lặn lội vào Tp.Cần Thơ mua con giống.
Ông Tiến chia sẻ: "Tôi vào Cần Thơ mua được 15 cặp giống chồn hương về bắt đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm ít ỏi, chưa biết chăm sóc khiến cho con giống bị bệnh đường ruột chết dần chết mòn, những con sống sót thì mãi không thấy sinh sản.
Thế nhưng, tôi không nản lòng, lên mạng học hỏi kiến thức cơ bản, cách chăm sóc chồn bị bệnh. Sau một thời gian, áp dụng những phương pháp học được vào thực tế bắt đầu có hiệu quả. Chồn không còn bị nhiễm bệnh, bắt đầu lứa sinh sản đầu tiền khiến tôi cực kỳ phấn khởi".
Theo ông Tiến, sau khi có tín hiệu tích cực, ông mạnh dạn vay mượn ngân hàng mua thêm con giống về nuôi. May mắn trời không phụ lòng người, chồn phát triển khoẻ mạnh và cho sinh sản đều đặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chồn baby được ông Tiến bán với giá từ 10-15 triệu đồng/ cặp.
"Hiện tại, trang trại của tôi có khoảng 100 cặp chồn sinh sản, thời đỉnh điểm lên đến cả 200 cặp. Cứ bình quân mỗi năm chồn cái sinh sản hai lứa, mỗi lứa trung bình từ 2-6 con. Với mỗi cặp chồn baby (con giống), tôi bán cho khách với giá 10- 15 triệu đồng/cặp tuỳ ngày tuổi.
Chồn thương phẩm bán cho các nhà hàng giá dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Với các khách hàng mua chồn giống ở trong tỉnh, tôi thường xuyên qua lại hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc đảm bảo con giống phát triển 100%", ông Tiến nói.
Trang trại nuôi chồn hương của ông Tiến.
Chi phí thấp, lợi nhuận cao
Theo ông Tiến, chi phí nuôi chồn hương không đáng là bao, bình quân tiền thức ăn cho một con chồn 2,5 nghìn đồng/ngày. Thức ăn chủ yếu của chồn là chuối, cà phê chín, mít, thịt gà, cá.
Bởi vậy, trong khu vườn rộng khoảng 1ha của gia đình ông trồng rất nhiều chuối, mít, cà phê cung cấp thức ăn cho chồn. Tuy nhiên, vì số lượng chồn nhiều, thức ăn trong vườn không đủ cung cấp, ông phải mua thêm bên ngoài.
Thức ăn chủ yếu của chồn hương là chuối.
Từ năm 2021 đến nay, ông đã xuất bán mỗi năm khoảng 80 con chồn thương phẩm, thu về gần 600 triệu đồng. Sản phẩm chồn thương phẩm của ông Tiến được xuất bán trong tỉnh Gia Lai và các tỉnh khác như Hà Nội, Đà Nẵng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn hương đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Tiến cho biết thêm: "Loài chồn có nguồn gốc từ rừng nên vẫn giữ bản tính hoang dã. Nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau.
Do vậy, cần chia ra từng ô nhỏ khoảng 1m2 để nhốt một con đảm bảo chúng không thể cắn nhau và cũng để hạn chế dịch bệnh lây lan. Cái khó nhất là tỉ lệ phối giống ở con đực, tỉ lệ đậu thấp: 5 con đực mới được một con đảm bảo chất lượng.
Để khắc phục vấn đề này, người chủ phải tinh ý quan sát để chọn được con đực khoẻ mạnh, không mắc bệnh, như vậy con non sau khi sinh sản tỷ lệ sống cao".
Ngoài bán con giống, thương phẩm, ông Tiến còn có nguồn thu nhập từ việc bán cà phê chồn với giá bán thô 500 nghìn đồng/kg.
Ông Tiến hồ hởi khoe: "Ngoài lợi nhuận từ việc bán chồn baby, chồn thương phẩm, hằng năm, gia đình tôi có nguồn lợi khác từ việc bán cà phê chồn.
Tuy số lượng mỗi năm chỉ được vài chục kg nhưng đây là loại cà phê được nhiều người ưa chuộng, bình quân tôi bán thô đã có giá 500 nghìn đồng/kg.
Sắp tới tôi sẽ đẩy mạnh, tăng số lượng chồn nên tập trung thêm vào việc tăng thu nhập từ việc bán cà phê chồn".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Minh, Chủ tịch hội Nông dân phường Chi Lăng (Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Trên địa bàn phường hiện mới chỉ có hộ anh Tiến thực hiện mô hình nuôi chồn hương. Theo nắm bắt của phường, đây là mô hình kinh doanh rất tiềm năng, bởi chi phí chăn nuôi thấp, hiệu quả kinh tế cao.
Phường mong muốn nhân rộng mô hình này để nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế được như hộ anh Tiến. Lãnh đạo phường rất mong muốn các hộ đang nhen nhóm ý tưởng chăn nuôi chồn hương sẽ được anh Tiến hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp bà con cùng phát triển, tránh rủi ro trong quá trình khởi nghiệp".
Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai thông tin với Người Đưa Tin, chồn hương là loại động vật phải có giấy phép mới được nuôi.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có tổng 116 cơ sở nuôi động vật rừng (trong đó có 39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường, 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm).
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây nuôi động vật thực hiện khai báo, đăng ký gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Bên cạnh đó, lực lượng còn phối hợp với các hộ chăn nuôi để theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, sức khỏe của các cá thể loài động vật hoang dã gây nuôi; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn.