Ảnh minh hoạ.
Thị trường điều chỉnh quá sâu kể từ đầu tháng 4 tới nay, khác hoàn toàn với dự đoán của hầu hết các chuyên gia và công ty chứng khoán đã đưa ra. Vn-Index từ đầu tháng 4 tổng cộng đã bay 114 điểm, tương ứng với giảm 7,4%, chốt phiên giao dịch hôm nay Vn-Index còn 1.406 điểm với 371 mã đỏ lửa, 98 mã xanh lơ.
VN-INDEX BỐC HƠI "NGHI NGÚT", NHIỀU CỔ PHIẾU QUAY VỀ "NƠI BẮT ĐẦU"
Nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ có mức độ sụt giảm mạnh nhất với chỉ số Vnsmall giảm 13,8%; VnMid giảm 11% trong khi đó Vn30 là chỉ số có mức sụt giảm thấp hơn đáng kể 7,4%, tương đương với mức giảm điểm của Vn-Index kể từ tháng 4 đến nay.
Đáng lưu ý, thanh khoản toàn thị trường cũng sụt giảm đáng kể so với thời điểm tháng 3 liền kề trước đó. Trung bình 10 phiên trở lại đây, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường gồm cả HSX, HNX và UPCoM ở khoảng đâu đó 22.600 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 13% so với tháng 3 khoảng 26.051 tỷ đồng.
Trong đó, VnSmallCap giá trị giao dịch trung bình 10 phiên đổ lại 4.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với thời điểm tháng 3 là 5.029 tỷ đồng; VnMid giảm từ 10.917 tỷ đồng tháng 3 xuống còn 9.178 tỷ đồng mỗi phiên. VN30 giảm từ 8.881 tỷ đồng mỗi phiên xuống còn 7.860 tỷ đồng.
Đồ hoạ: K.Linh.
Những tin xấu về thị trường gần như không còn nhưng hệ luỵ để lại cho nhà đầu tư quá lớn. Những sự kiện khởi tố bắt tạm giam các cựu lãnh đạo hai doanh nghiệp lớn gần đây ít nhiều khiến nhà đầu tư lo ngại việc mạnh tay siết lại thị trường chứng khoán, trái phiếu, sẽ tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng.
Do đó,cổ phiếu hai nhóm ngành vốn hoá lớn nhất thị trường áp lực điều chỉnh sâu, hầu hết các cổ ngân hàng như TCB, CTG, ACB... đều rơi vùng giá của thời điểm cách đây đúng một 1 năm - nơi bắt đầu tạo đỉnh lịch sử vào tháng 10-tháng 11/2022. Những cổ phiếu vốn hoá lớn có mức độ sụt giảm tương tự trên sàn liệt kê "mỏi tay", ở hầu hết các nhóm ngành như thép, bất động sản, cả kể đầu tư công, chứng khoán...
Trong khi đó, việc bắt bớ, thanh lọc thị trường cũng khiến "chột dạ" nhóm đầu cơ vốn đã "làm mưa làm gió" thị trường trong suốt hơn nửa năm vừa qua. Nhiều cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm bất động sản, chứng khoán, pennies, micaps đã mất 30-50% so với đỉnh lập được từ cuối năm 2021.
DIỄN BIẾN CÁC CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM.
THANH LỌC LÀ TÍN HIỆU TỐT, THỊ TRƯỜNG DÀI HẠN VẪN ĐI LÊN
Tuy vậy, đánh giá về việc thanh lọc trên thị trường của cơ quan chức năng gần đây, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đây là tín hiệu tốt cho thị trường nhiều hơn xấu.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), cho rằng việc thanh lọc trên thị trường chứng khoán của cơ quan chức năng trong các sự việc gần đây không phải là những vụ án hình sự đầu tiên, trong lịch sử đã có 3 - 4 vụ khởi tố hình sự.
"Bây giờ thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều hàng hóa và có nhiều cơ hội cũng như lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày càng nhiều, dễ dẫn đến việc nhiều đối tượng có ý đồ lợi dụng và mong kiếm về không chỉ một vài tỷ mà hàng trăm ngàn tỷ. Bởi vậy việc thanh lọc là rất cần thiết và cần phải có những chế tài thật mạnh tay để người ta ngay từ việc ý nghĩ cũng không có ý nghĩ để vi phạm, chứ tránh việc người ta bất chấp để thu về khoản lợi rất lớn và sẵn sàng bỏ một khoản lợi nhỏ ra để nộp phạt", ông Long nói.
Cũng theo Chủ tịch VFCA, Luật chứng khoán 2019 đã quy định giám sát ba cấp. Cấp một là các công ty chứng khoán tự giám sát, cấp hai là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch TP HCM và cấp ba chính là Uỷ ban chứng khoán.
Các công ty chứng khoán ở cấp độ cấp một cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Với quản lý giám sát theo ba cấpthế này, càng ngày thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ càng trở nên minh bạch hơn và hạn chế được tối thiểu tất cả những giao dịch làm thị trường và các nhà đầu tư bị thiệt hại.
Đồng quan điểm, theo TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp, các khung hình phạt xử lý hình sự và kể cả xử lý về hành chính hay trong lần này là những khung hình phạt nghiêm khắc, mạnh nhất.
Ở các nước cũng vậy, người ta sẽ thường xử phạt về hành chính là chính, ví dụ như xử phạt tiền, phạt cấm giao dịch hoặc phạt những công ty vi phạm không được tiếp tục hoạt động, và cao nhất cũng là hình thức xử phạt tù một vài năm với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
"Việc xử lý vừa rồi của các cơ quan quản lý theo tôi nghĩ là rất nghiêm khắc và cần thiết cho thị trường trong lúc này, là một dấu hiệu tích cực để cho thị trường lành mạnh hơn, để thị trường Việt Nam có thể tiệm cận gần hơn với thị trường thế giới, từ đó gia tăng thu hút vốn, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư hơn, đấy là một tín hiệu tốt cho thị trường", TS Võ Đình Trí nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với Báo chí, hầu hết giới phân tích đều cho rằng, việc xử lý những vụ việc vừa qua là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán, vì một thị trường lành mạnh, phát triển hơn.
Công ty quản lý quỹ đầu tư SGI Capital cho rằng, thế giới luôn biến động, thị trường sẽ luôn có nhiều mối lo thường trực, nhưng thị trường chứng khoán sau những biến động ngắn hạn vẫn đi lên nhờ động lực tăng trưởng không ngừng của các các doanh nghiệp niêm yết.
Nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia có nền tảng vĩ mô ổn định nhất. Trên nền tảng đó, nhiều doanh nghiệp xuất sắc đang nắm băt được cơ hội để có một giai đoạn tăng trưởng thần kỳ. Khi việc tiếp cận nguồn lực tín dụng, đất đai, công nghệ công bằng hơn, sự phân hóa về tăng trưởng đã diễn ra với tốc độ chưa từng có. Vì lẽ đó, không có lí do gì để không đặt niềm tin vào những doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam trong những năm tới.