Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không làm dịch vụ kiểm định

06/04/2023 06:55
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang xây dựng dự thảo Đề án tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trong quý 2/2023 để trình Bộ GTVT xem xét.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang xây dựng dự thảo Đề án tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành trong quý 2/2023 để trình Bộ GTVT xem xét.

Đây là nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam soạn thảo.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm như trên nhằm tạo sự độc lập về tài sản, con người, sau đó nếu đơn vị nào đủ điều kiện sẽ tính đến phương án cổ phần hóa làm dịch vụ đăng kiểm.

Theo kế hoạch, Cục Đăng kiểm sẽ hoàn thành trong quý 2/2023, trình Bộ GTVT xem xét sau đó.

Hiện Cục Đăng kiểm có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc cho Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không làm dịch vụ kiểm định

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất chỉ làm công tác quản lý nhà nước, không làm dịch vụ. Ảnh: N. Huyền

Với cơ chế trên, một số phòng tham mưu, giúp việc cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện.

Trong khi đó, các chi cục, trung tâm đăng kiểm là những đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm cũng thực hiện hoạt động kiểm định phương tiện giao thông vận tải và công trình biển. Mọi hoạt động, nhân sự, tài chính của các đơn vị trực thuộc đều phụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trước những tồn tại này, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, trong dự thảo đề án,cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng đơn vị này chỉ làm công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm.

37 đơn vị trực thuộc dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển...

Trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Uỷ ban Tài chính ngân sách) cho rằng, cần tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi, vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm, hoạt động đăng kiểm.

Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam giúp thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ đăng kiểm.

Việc tách chức năng sẽ tránh tình trạng vừa "đá bóng, vừa thổi còi", ngăn nhũng nhiễu, tiêu cực và rủi ro cho người làm công tác đăng kiểm.

Hơn 5 tháng qua, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm được công an 32 địa phương phát hiện, khởi tố 64 vụ án với 506 bị can về 7 tội danh khác nhau liên quan tiêu cực đăng kiểm.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2018 - 2022, các nghi phạm là lãnh đạo trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên đã câu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh thành để kiểm định cho gần 40.000 xe.

Thực trạng này khiến nhân sự đăng kiểm rơi vào khủng hoảng thiếu trầm trọng. Một loạt các trung tâm buộc phải tạm thời đóng cửa phục vụ công tác điều tra hoặc do không có đủ nhân sự. Người dân tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM nhiều tháng qua đã phải chờ đợi nhiều ngày mới được kiểm định ô tô.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa qua Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02 thay thế thông tư 16 quy định về đăng kiểm xe cơ giới trong đó quy định miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới và gia hạn chu kỳ kiểm định với một số loại xe cá nhân.

Bình luận

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không làm dịch vụ kiểm định - Tin Tức