Củng cố thế mạnh doanh nghiệp Việt

27/06/2023 10:23

Hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc sang Việt Nam kỳ vọng tạo một làn sóng đầu tư mới. Một đại diện DN Việt tham gia trọn vẹn các chương trình và diễn đàn giữa DN hai nước đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về những cơ hội cũng như thách thức của DN Việt.

Củng cố thế mạnh doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham dự triển lãm của Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc - Ảnh: N.AN

Hầu như toàn bộ các tập đoàn lớn của Hàn đều cử các ông chủ tham gia phái đoàn, trong đó có chủ tịch Liên đoàn giới chủ các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc.

Ở lĩnh vực bán lẻ, các DN FDI đang có tốc độ phát triển cao hơn khá nhiều so với DN nội. Miếng bánh của các DN nội đang nhỏ dần đi.

Ông Nguyễn Anh Đức

Cơ hội vàng để hợp tác với "đại bàng"

Sự đón tiếp của Việt Nam cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa thân tình vừa cởi mở, và như Chủ tịch nước đã phát biểu, là còn có tình "thông gia". Điều này cho thấy đây là một cột mốc, bối cảnh mới.

DN Hàn đầu tư vào thị trường Việt Nam có mang lại lợi thế cho nền kinh tế VN, giúp cho các DN Việt hợp tác với những tập đoàn hàng đầu. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đi kèm với những thách thức rất lớn đòi hỏi các DN phải có sự chuẩn bị bởi nếu hợp tác không tương xứng thì dễ dàng bị thâu tóm, mất tự chủ ngay trên sân nhà.

Các DN Hàn Quốc muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ muốn hợp tác với các DN Việt nếu họ không làm được. Còn nếu bản thân họ có thể làm thì họ sẽ tự làm. Do đó, DN Việt phải có những toan tính thận trọng.

Thứ nhất, chúng ta có thể đứng trên vai người khổng lồ thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ. Ví dụ các DN Việt cung cấp hàng phụ trợ cho Samsung.

Thứ hai, DN Việt có thể hợp tác trong những lĩnh vực thế mạnh về mặt hiểu biết thị trường nội địa nhưng có thể ứng dụng những công nghệ đi trước của Hàn Quốc, liên quan các lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng...

Đơn cử như với sản xuất hàng tiêu dùng, chúng ta có thể hợp tác với các đối tác Hàn để một phần sản xuất đáp ứng thị trường trong nước, nhưng mặt còn lại cũng giúp mang hàng hóa ra các thị trường nước ngoài mà họ đã có mối quan hệ về chiều sâu, về thị trường.

Thứ ba, hoàn toàn có thể xem xét đến sự giao thoa trong quá trình hợp tác để làm cho "hồn" hợp tác giữa hai quốc gia, hai thị trường đi vào chiều sâu hơn đó là lĩnh vực văn hóa.

Xác định "lằn ranh"

Với lĩnh vực bán lẻ, hiện các DN lớn nhất của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam như Lotte, Emart, CJ... Qua quá trình đầu tư, họ bắt đầu điều chỉnh, muốn hợp tác với DN Việt để tối ưu hóa những giá trị có thể giúp họ phát triển. Bên cạnh đó, họ muốn đầu tư lâu dài lĩnh vực phân phối thông qua việc bỏ tiền vào logistics, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng.

Họ đã mua lại Cầu Tre, góp vốn với các DN nội hay thành lập mới DN... Do đó, các DN trong nước phải có sự chuẩn bị, nếu không dần dần sẽ dễ bị thâu tóm.

Ở lĩnh vực bán lẻ, các DN FDI đang có tốc độ phát triển cao hơn khá nhiều so với DN nội. Miếng bánh của các DN nội đang nhỏ dần đi. Nên về tổng thể, cần có một phân tích toàn diện, DN nội cần chiếm tỉ trọng bao nhiêu, tỉ trọng nào là tỉ trọng cứng để đảm bảo thị trường bán lẻ không bị nước ngoài kiểm soát, bởi nó sẽ tác động lớn đến chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của nền sản xuất Việt Nam.

Cần phải có những nghiên cứu để xác định một lằn ranh nhất định thông qua một bài toán quy hoạch của ngành để chúng ta củng cố những thế mạnh của DN nội, từ đó cầm trịch. Còn với những loại hình cần sự hiện đại, du nhập kiến thức, công nghệ mới thì rất cần sự hỗ trợ và tham gia của DN nước ngoài, trong đó có DN Hàn.

Lằn ranh đó nếu xác định về tỉ lệ ví dụ 50% hay 70% thì chỉ mang tính bề mặt. Trên thực tế, phải thể hiện bằng việc khuyến khích loại hình gì để các DN trong nước sẽ phát triển. Ví dụ như với chợ truyền thống, do Hàn Quốc phát triển thương mại quá hiện đại nên họ phải có chính sách chủ nhật siêu thị đóng cửa để các chợ truyền thống bán hàng.

Lúc đó, họ sẽ quy định chợ sẽ bán được những mặt hàng gì và siêu thị thì hàng hóa phải như thế nào. Đó là những chính sách nhỏ để đa dạng hóa mô hình bán lẻ, phục vụ cho nhiều phân khúc khác nhau.

Tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam

Chúng ta cần tận dụng những lợi thế. Ví dụ như khi DN Hàn mua lại Cầu Tre, sản phẩm chả giò được sản xuất với trình độ cao hơn từ chất lượng, bao bì, mẫu mã, chuẩn hóa công thức... để bán không chỉ cho thị trường Việt mà còn xuất ra được những thị trường khác, đây cũng là một điều tốt.

Ngay cả với ẩm thực Hàn Quốc, khi họ đã hợp tác sản xuất tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn thì hoàn toàn có thể xuất món ăn Hàn đi các nước từ nhà máy liên doanh đặt tại Việt Nam. Ngược lại, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ có những "góc Việt Nam" bên trong các chuỗi bán lẻ, siêu thị Hàn để phục vụ không chỉ 270.000 người Việt tại Hàn Quốc mà bất cứ ai yêu hàng Việt.

Nguyễn Anh Đức(tổng giám đốc Saigon Co.op, chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam)

Củng cố thế mạnh doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc ký hơn 100 ghi nhớ hợp tác

Hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước chiều 23-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Theo Nguồn tuoitre.vn

Củng cố thế mạnh doanh nghiệp Việt - Tin Tức