Học thuyết hải quân mới của Nga coi Mỹ, NATO là 'mối đe dọa chính'

01/08/2022 09:17
Học thuyết hải quân mới được ông Putin ký coi chiến lược của Mỹ nhằm "thống trị các đại dương" và xu hướng mở rộng NATO là mối đe dọa với Nga.

Tài liệu dài 55 trang cho biết "những thách thức và mối đe dọa chính" đối với an ninh và phát triển của Nga nằm ở "mục tiêu chiến lược thống trị các đại dương trên thế giới" mà Washington theo đuổi cũng như xu hướng của NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía biên giới Nga.

Học thuyết hải quân mới của Nga coi Mỹ, NATO là 'mối đe dọa chính'

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê duyệt học thuyết hải quân mới tại Bảo tàng Lịch sử Nhà nước ở St.Petersburg hôm nay. Ảnh: TASS.

"Chính sách đối nội và đối ngoại độc lập của Nga phải đối mặt với những biện pháp đáp trả từ Mỹ và các đồng minh, những người muốn duy trì sự thống trị của họ trên toàn thế giới, trong đó có cả các đại dương", học thuyết, được ký vào ngày Hải quân Nga, có đoạn.

Học thuyết cho hay Moskva sẽ tìm cách củng cố vị trí hàng đầu của mình trong nỗ lực khám phá Bắc Cực và các nguồn tài nguyên khoáng sản, đồng thời duy trì "ổn định chiến lược" tại đây bằng cách củng cố tiềm năng của các hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương. Nó cũng đề cập đến mong muốn của Nga trong việc phát triển một tuyến đường biển "an toàn và cạnh tranh" từ châu Âu đến châu Á, được gọi là Con đường Đông Bắc.

"Nước Nga ngày nay không thể tồn tại nếu không có một hạm đội mạnh... và sẽ bảo vệ lợi ích của mình trên các đại dương khắp thế giới", học thuyết nhấn mạnh.

Học thuyết hải quân mới được thông qua trong bối cảnh Nga đang đối diện áp lực chưa từng có từ các nước phương Tây, thông qua hàng loạt lệnh trừng phạt, vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Truyền thông nhà nước Nga cho biết nước này chịu khoảng 10.000 hạn chế, trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.

Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore.

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho 6 quốc gia châu Âu, với lý do những nước này không chấp nhận thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble theo yêu cầu từ phía Moskva. Nga cũng tăng cường hợp tác năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ thông qua bán dầu thô giá rẻ.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Theo vnexpress.net

Học thuyết hải quân mới của Nga coi Mỹ, NATO là 'mối đe dọa chính' - Tin Tức