Thông tin này vừa được Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam nêu tại báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ của Vietnam Airlines. Theo đơn vị kiểm toán này, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê.
Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt tài sản sản ngắn hạn 36.425 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 14.850 tỷ đồng. Trước đó, lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng bay này cũng được Deloitte Việt Nam đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2021.
Nửa đầu năm nay, hãng đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ, cao gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng cao và nhiều đường bay quốc tế chưa được mở lại, Vietnam Airlines vẫn lỗ khoảng 5.100 tỷ, giảm hơn 3.000 tỷ so với kỳ này năm ngoái. Luỹ kế đến 30/6, hãng hàng không quốc gia lỗ khoảng 28.900 tỷ đồng.
Để đối phó với khó khăn hiện tại, HĐQT và ban giám đốc Vietnam Airlines thường xuyên đánh giá ảnh hưởng và triển khai các giải pháp đối phó khủng hoảng. Về nguồn vốn, hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024. Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ.
Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm các nguồn thu khác gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. Hiện tại, công ty đã bán được 1 tàu bay, bán quyền mua và thuê lại 1 động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào Cambodia Air và thu về một phần số tiền hơn 860 tỷ đồng.
Ngoài ra, hãng bay này cũng đàm phán để huỷ nhận 4 tàu bay Boeing B787 và Airbus A320. 5 tàu bay mới cũng đang được thoả thuận để nhận vào cuối năm 2022, 2023 thay vì 2020, 2021 như thoả thuận ban đầu.