Người trẻ đang thờ ơ với múa rối nước

18/11/2023 14:49

Nhà hát Múa rối Thăng Long nằm ở vị trí trung tâm thủ đô và là nhà hát nhận kỷ lục châu Á vì luôn có buổi biểu diễn 365 ngày/năm . Một khán phòng 300 chỗ ngồi luôn được lấp đầy, nhưng lại hiếm thấy bóng dáng người Việt đến xem biểu diễn.

Người trẻ đang thờ ơ với múa rối nước

Một buổi biểu diễn rối nước

Chia sẻ với phóng viên, NSƯT Bạch Quốc Khanh, người đã làm việc tại Nhà hát gần 25 năm cho rằng: “Không ít các bạn trẻ còn tự ti với bản sắc dân tộc Việt Nam, nghĩ rằng nó không độc đáo, không có nét riêng, lôi cuốn bằng những dân tộc khác. Có lẽ trong sự phát triển xã hội bây giờ, người ta cứ mải mê chạy theo những cái tiên tiến để hòa nhập với thế giới mà quên mất những cái độc đáo riêng biệt của mình, quên mất cái tạo nên sự khác biệt giữa các nền văn hóa là văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.

Bên cạnh đó, chương trình biểu diễn múa rối nước thường là chương trình lặp lại, chỉ tổ chức các màn biểu diễn đặc biệt ở các dịp quan trọng, ngày lễ. Điều này dẫn đến thiếu sức hút cho khán giả Việt, bởi với những người quan tâm và muốn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam không phải là khán giả xem một lần cho biết, không muốn xem đi xem lại một vở diễn đã cũ.

Trách nhiệm kế tục, bảo tồn và phát triển múa rối nước

Để múa rối nước tiếp cận gần hơn với khán giả Việt, đặc biệt là khán giả trẻ để định hình lại vị thế trong lòng người Việt là vấn đề đặt ra cho cả xã hội chứ không chỉ riêng người làm nghề.

Trong công tác giáo dục học đường thời gian qua, các trường học đã phối hợp cùng nhà hát múa rối trên địa bàn Hà Nội thực hiện những chương trình đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Thông qua tích trò, các câu chuyện kể về lịch sử, cổ tích sẽ gieo vào các em những ước mơ, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp của cuộc đời và nâng cao chất lượng học tập.

Bên cạnh đó, việc mang nghệ thuật truyền thống múa rối nước đến trường học cũng góp phần nuôi dưỡng nghệ thuật trong những “búp măng non", đồng thời định hướng giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ qua các loại hình nghệ thuật và sân khấu.

Người trẻ đang thờ ơ với múa rối nước

Nhà hát Múa rối nước Thăng Long phối hợp cùng trường Tiểu Học Nguyễn Siêu tìm hiểu và trải nghiệm về múa rối nước. Không chỉ đến xem chương trình nghệ thuật đặc sắc mà học sinh còn được trải nghiệm tập luyện, tìm hiểu về múa rối nước cùng các nghệ sĩ.

Học sinh không chỉ được xem biểu diễn mà còn được đích thân học và trải nghiệm, tìm hiểu về múa rối nước qua những nghệ sĩ của Nhà hát.

Người trẻ đang thờ ơ với múa rối nước

Nhà hát Múa rối nước Việt Nam phối hợp cùng trường học quốc tế đem đến cho học sinh cơ hội trải nghiệm múa rối nước.

Theo đánh giá của NSƯT Bạch Quốc Khanh, các trường học đang thực sự nghiêm túc trong quá trình dạy học và lan toả giá trị của nghệ thuật truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc đến lớp trẻ, khêu gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc để học sinh có ý thức trong công cuộc giữ gìn truyền thống văn hoá.

Đưa múa rối nước vào trong giáo dục học đường là một cách để nghệ thuật truyền thống Việt kết nối với thế giới hiện đại, kết nối với thế hệ trẻ để họ có nhận thức, thấu hiểu nét đẹp của nghệ thuật, bản sắc Việt Nam. Từ đó, giới trẻ Việt sẽ có ý thức bảo tồn, tiếp nối và phát triển nét đẹp bản sắc dân tộc Việt.

Đồng thời, các trường học, ban ngành có liên quan cũng cần có các công tác giáo dục, tuyên truyền để không chỉ múa rối nước mà các loại hình nghệ thuật truyền thống khác có cơ hội để văn hoá Việt hoà nhập với quá trình hiện đại hoá của đất nước, sống mãi với đất nước và con người Việt Nam.

Thanh Hiền

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Người trẻ đang thờ ơ với múa rối nước - Cuộc Sống