Nhà đầu tư bất động sản đang có hiện tượng no hàng

15/04/2022 15:03
Sau một thời gian dài thị trường bất động sản tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư đã không ngừng mua vào một lượng lớn bất động sản. Đến thời điểm hiện tại, nhiều người đã "no hàng" và không còn nhu cầu mua tiếp.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Minh một môi giới BĐS kỳ cựu cho biết từ đầu năm 2022 lượng nhà đầu tư tìm mua BĐS có dấu hiệu tăng mạnh do lo ngại lạm phát tăng cao. Hiện nay trong danh mục của mình nhiều nhà đầu tư đã có hàng chục sản phẩm, tuy nhiên hầu hết họ đều chưa thể bán ra ở thời điểm hiện tại.

Anh Minh lý giải có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là tình trạng nhà đầu tư "lãi trên giấy", tức giá chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm người mua. Thực tế, một số dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng không dễ tìm người mua.

"Thứ hai, nhiều nhà đầu tư mua đất khi mặt bằng còn thấp hơn so với các khu vực khác. Chính vì vậy, kỳ vọng tăng giá của họ rất lớn. Hiện nhiều nhà đầu tư tiếc nuối không muốn bán bởi theo họ bán đi rồi khó mua được những sản phẩm có mức kỳ vọng giá tốt như thế", anh Minh cho biết.

Chị Hương, một nhà đầu tư mắc cạn ở Mê Linh gần 10 năm nay cho biết hiện căn liền kề chị mua tại dự án KĐT Minh Giang – Đầm Và đã tăng gấp đôi lên gần 30 triệu đồng/m2. Nhiều môi giới hỏi liên tục nhưng chị chưa bán bởi so với các khu vực khác ở vùng ven Hà Nội, giá Mê Linh vẫn còn thấp hơn nhiều. Mức giá chị Hương kỳ vọng khu vực này có thể lên đến 40-50 triệu đồng/m2 trong vài năm tới.

1504202289752

"Tôi đã chờ cả 10 năm nay rồi thì không có lý do gì lại không thể chờ thêm 1-2 năm nữa. Bán xong, xung quanh Hà Nội cũng khó tìm được chỗ nào giá hợp lý để mua vào. Trong khi đó gửi tiền tiết kiệm thì lạm phát quá cao. Vì vậy, dù lãi gấp tôi nhưng hầu nhà đầu tư Mê Linh hiện tại đều giữ hàng", chị Hương cho biết.

Hiện trên thị trường không hiếm thấy những nhà đầu tư như chị Hương, sau nhiều cú sang tay chuyển nhượng bất động sản, nhà đầu tư nhận ra rằng việc liên tục bán từ chỗ này để mua chỗ khác lợi nhuận không bằng giữ một chỗ tốt chờ giá tăng. Nguyên nhân bởi, bán được chỗ này cao thì khi mua vào chỗ khác giá cũng đã tăng, phần lợi nhuận cuối cùng cũng không được là bao.

Theo các chuyên gia, hiện tượng nhà đầu tư "no hàng", ngừng mua vào của các nhà đầu tư hiện nay còn bởi nhiều nhà đầu tư thấy giá đất tăng liên tục nên xuất hiện tâm lý "sợ hãi" sợ mua đúng đỉnh, có nguy cơ mắc kẹt khi thị trường đi xuống.

"Theo dõi thông tin và cũng chứng kiến nhiều nhà đầu tư đã đầu tư đất ở vài nơi, tôi thấy giá đất tăng liên tục, có khu đất giá đã tăng gấp đôi chỉ chưa đầy năm. Tôi cũng đã cùng bạn đi xem vài khu đất và cũng rất muốn đầu tư nhưng tôi e ngại giá đất tăng như bây giờ nếu tôi mua vào thời điểm này liệu có nguy cơ ‘bắt đỉnh’. Sau thời gian tăng quá nóng, giá sẽ phải đi ngang hoặc đi xuống, có thể dẫn tới việc lỗ vốn khi đầu tư”, bác Nam, một nhà đầu tư cho biết.

Nhận định về hiện tượng nhà đầu tư "no hàng" nhiều chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản sẽ chững lại ở mức giá cao trong vài tháng tới khi kỳ vọng tăng giá của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Giá nhiều khu vực cao nhưng thanh khoản sẽ có xu hướng giảm do nhu cầu mua không có.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cơ hội đầu tư bất động sản luôn còn, không chỉ riêng năm nay hay thời gian tới, song vấn đề quan trọng nhất với nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại cần lưu ý là lạm phát. Trong trường hợp lạm phát vượt kỳ vọng sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền khác nhau, ảnh hưởng ngược lại thị trường bất động sản. Kinh nghiệm cũng cho thấy có những giai đoạn lạm phát vượt kỳ vọng, bất động sản không tăng, thậm chí còn giảm.

Do vậy, nhà đầu tư nên cẩn trọng, nếu không tìm được sản phẩm tốt, giá còn phải chăng và mức kỳ vọng tăng giá tốt trong tương lai thì nhà đầu tư nên dừng lại, nghe ngóng thị trường, không nên vội vàng mua vào thời điểm hiện tại bởi rất dễ mắc cạn trên đống tài sản trong bối cảnh thị trường BĐS đang có nguy cơ chững lại do tác động từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô.

Theo cafef.vn

Nhà đầu tư bất động sản đang có hiện tượng no hàng - Bất Động Sản