"Có khoảng 1.900 thủ tục của chính phủ yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phải sử dụng các loại đĩa, như đĩa mềm, CD, MD (miniDisc)... để nộp đơn hoặc các hình thức khác", Taro Kono, Bộ trưởng kỹ thuật số Nhật Bản, viết trên Twitter. "Chúng tôi sẽ điều chỉnh quy định đó, thay bằng hình thức lưu trữ trực tuyến".
Ông Kono gọi động thái mới của chính phủ là "lời tuyên chiến với đĩa mềm".
Trong buổi họp báo giữa tuần trước, ông Kono cũng chỉ trích việc sử dụng kéo dài những công nghệ lạc hậu khác của đất nước. "Tôi đang tìm cách loại bỏ máy fax và luôn dự định làm điều đó", ông nói. Sau đó, ông tiếp tục đặt câu hỏi về thiết bị lưu trữ: "Ngày nay, người ta thậm chí còn tự hỏi rằng mình sẽ mua đĩa mềm ở đâu?".
Đĩa mềm ra đời từ những năm 1960 nhưng đã bị "khai tử" từ lâu và thay bằng các giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn. Theo thống kê, phải cần tới 20.000 đĩa mềm mới tương đương một thẻ nhớ 32 GB. Tuy nhiên, nhiều hệ thống chính phủ tại Nhật Bản vẫn sử dụng loại đĩa này, cũng như yêu cầu các cơ quan khác phải nộp tài liệu hoặc lưu trữ dữ liệu trên đó.
Nhật Bản vẫn được đánh giá là cường quốc công nghệ. Tuy vậy, theo BBC, có nhiều nguyên nhân khiến quốc gia này trung thành với đĩa mềm, như tư tưởng bảo thủ, không chịu thay đổi trước công nghệ.
Đây không phải là lần đầu Nhật Bản gây chú ý vì những thói quen lạc hậu. Năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng Yoshitaka Sakurada từng gây sốc khi thú nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính và thường giao nhiệm vụ cho các nhân viên. Năm 2019, nước này cũng mới đóng cửa dịch vụ tin nhắn bằng máy nhắn tin.
Không chỉ tại Nhật Bản, đĩa mềm từng được sử dụng trong các hệ thống quân sự trước khi bị loại bỏ những năm gần đây. Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, Bộ Quốc phòng nước này vẫn sử dụng đĩa mềm trong một hệ thống hạt nhân quốc gia. Những chiếc máy tính IBM Series 1 lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1976 với ổ đĩa mềm 8 inch tiếp tục được dùng trong hàng chục năm qua.