Trong căn nhà nhỏ của ông Vũ Gia Phả ở tổ 6, khu 1, phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả ngày nào cũng vang lên tiếng đục, tiếng mài than đá. Dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông Phả vẫn miệt mài công việc điêu khắc những bức tượng bằng than đá.
Ông Phả đã có 45 năm gắn bó với nghề điêu khắc than đá
Ông Phả chia sẻ: “Để thuần thục nghề điêu khắc than đá phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ bởi chất liệu than đá cứng, giòn. Các công đoạn điêu khắc đều làm thủ công 100% không có máy móc nào hỗ trợ. Từ hòn than nguyên khai, công đoạn đầu tiên người thợ là phác thảo tạo hình đường nét rồi đục, gọt, đánh giáp, đánh bóng. Công đoạn khó nhất là tạo hình khối, từ khối than nguyên khai người thợ phải định hình sẵn trong đầu là làm được sản phầm gì từ khối than đó cho phù hợp nhất”.
Không phải than đá nào cũng làm được các sản phẩm điêu khắc. Than tốt nhất vẫn là ở mỏ Cọc Sáu và mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả). Bởi than ở 2 mỏ này đáp ứng được yêu cầu là than nguyên khối, nằm ở vỉa mức dương không bị ngấm nước, không lẫn xít mà người làm nghề gọi đó là than kíp lê.
Những hòn than nguyên khai, từ đôi bàn tay ông Phả đã thổi hồn tạo ra những sản phẩm có giá trị vô giá
“Đến nay là tôi làm nghề điêu khắc than đá cũng ngót 45 năm, không thể nhớ mình đã làm được bao nhiêu sản phẩm, chỉ nhớ bén duyên với nghề từ lúc 21 tuổi. Lúc đó tôi đã tự tay làm ra sản phẩm điêu khắc từ than đá, sau khi theo học trung cấp hội họa ở Hà Nội, ra trường 10 năm sống ở Hà Nội cũng bằng chính nghề điêu khắc than đá. Thời gian đầu chủ yếu làm các con vật như voi, khỉ, trâu bò, lợn, gà, sư tử… sau chuyển sang đẽo tượng là chủ yếu như tượng phật, tượng nữ thần tự do, bất cứ tượng phật nào đều làm được. Để tạc những con vật phải mất tầm 10 ngày đến 15 ngày còn làm tượng tạc tượng phải mất một tháng mới xong. Ai đặt gì mình làm đó, có những bức tượng nặng 1 đến 1,5 tấn”, ông Phả kể lại.
Các sản phẩm ông Phả làm ra đều có người tìm tới tận nhà để đặt mua. Đặc biệt các sản phẩm điêu khắc than đá của ông còn được đưa ra nước ngoài.
Hiện ông Phả chủ yếu làm các sản phẩm tượng phật với đường nét tinh xảo
Ông Phả cho biết: “Người Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật Bản đã tìm tới tận nhà tôi để đặt mua sản phẩm. Thời kỳ đầu sản phẩm đặc sắc có người trả hẳn 3 chỉ vàng. Một sản phẩm điêu khắc tinh xảo từ than đá thì giá trị có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đáng nói, các công đoạn làm điêu khắc than đá chỉ có thể làm ban ngày, dưới ánh sáng điện không thể làm được. Độ bóng từ các sản phẩm than đá đến độ lấy áo trắng để lau cũng không phai màu đen”.
Theo những chia sẻ của ông, hiện tại TP Cẩm Phả còn rất ít người làm nghề điêu khắc than đá nên nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Với một người làm nghề lâu năm đó cũng là điều khiến ông đau đáu nhưng chưa có định hướng thích hợp.
Những sản phẩm điêu khắc từ than đá do ông Phả làm hiện được nhiều người trong và ngoài nước đặt mua
“Nghề điêu khắc than đá hiện tại chỉ còn 1 - 2 người thế hệ tôi làm. Thế hệ trẻ hiện tại không ai theo nghề này, trước có mấy người theo học nhưng đều bỏ học giữa chừng vì không theo được, cũng có người học làm được sản phẩm rồi nhưng không có nét độc đáo”, ông Phả buồn rầu cho hay.
Vì thế, ông Phả và những người còn theo nghề điêu khắc than đá ở TP Cẩm Phả luôn mong ước có một điểm quảng bá các sản phẩm điêu khắc từ than đá cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh.
Theo ông, chỉ khi có được điều đó thì mong muốn giữ nghề điêu khắc than đá độc đáo của thành phố mỏ mới có thể được thực hiện.
V. Hùng