Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã chỉ trích lập trường ngày càng “thân Kiev” của chính phủ do Thủ tướng Nikolai Denkov dẫn dắt, trong bối cảnh có thông tin rằng quốc gia thành viên NATO và EU vùng Balkan đang chuẩn bị gửi một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine, truyền thông địa phương đưa tin hôm 14/7.“Tôi nghĩ đã đến lúc cần bắt đầu suy nghĩ một cách tỉnh táo và khách quan về cuộc chiến ở Ukraine và thái độ của chúng ta đối với nó”, ông Radev nói, theo hãng thông tấn nhà nước Bulgaria BTA.Nhắc lại lời nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói hôm 12/7, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva, rằng “Vương quốc Anh không phải là nhà kho của các lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Radev cho rằng các quan chức chính phủ Bulgaria “nên ngừng coi quân đội Bulgaria và kho vũ khí của nước này là nhà kho của quân đội nước ngoài”.“Đổ thêm dầu vào lửa”Tổng thống Radev cũng bác bỏ lập luận của chính phủ mới nhậm chức hồi đầu tháng 6 của ông Denkov nhằm cố gắng thuyết phục công chúng rằng việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine góp phần đảm bảo an ninh cho đất nước.Nhà lãnh đạo Bulgaria khẳng định, việc bơm thêm vũ khí cho Ukraine – mà hóa đơn do EU thanh toán, sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” và góp phần kéo dài xung đột.Trước đó, hôm 13/7, chính phủ Bulgaria thông báo đã đệ trình lên quốc hội nước này một dự thảo về viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov tại Sofia, ngày 6/7/2023. Ảnh: Defense Post
Đây sẽ là gói viện trợ quân sự một lần lớn nhất – bao gồm 100 xe bọc thép thời Liên Xô từ kho dự trữ, chủ yếu là xe chở bộ binh – được gửi tới Ukraine trong quyết định chính thức đầu tiên của Sofia nhằm giúp Kiev trang bị hạng nặng.Những chiếc xe này được sản xuất vào những năm 1950 và 1960 và được quân đội Bulgaria mua vào những năm 1980 nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng.Ngoài viện trợ quân sự, trong 16 tháng qua, Ukraine đã mua vũ khí trị giá 2,5 tỷ euro từ Bulgaria.Dự thảo, dự kiến sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Bulgaria, được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm chính thức đầu tiên bất ngờ tới Sofia.Vào thời điểm chuyến thăm kéo dài 7 giờ đồng hồ của ông Zelensky kết thúc, Quốc hội Bulgaria đã bỏ phiếu bán cho Ukraine thiết bị thời Liên Xô của nhà máy điện hạt nhân ở Belene, miền Bắc đất nước.Trong chuyến công du chớp nhoáng tới Sofia, Tổng thống Ukraine đã có cuộc đấu khẩu nảy lửa với Tổng thống nước chủ nhà về vấn đề viện trợ quân sự.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (thứ hai từ trái sang), hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Sofia, ngày 6/7/2023. Ảnh: Euractiv
Với số lượng lớn vũ khí và thiết bị của Liên Xô trong kho, Bulgaria, nơi có ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh, có thể là đồng minh chủ chốt của Ukraine, quốc gia được đào tạo và trang bị những vũ khí như vậy, trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.Vào tháng 12 năm ngoái, khi Bulgaria vẫn được điều hành bởi một chính phủ lâm thời, ông Radev đã từ chối gửi các hệ thống phòng không S-300 cũ của Liên Xô, thứ mà Ukraine muốn, để đổi lấy việc nhận các hệ thống phòng không hiện đại của Mỹ trị giá 200 triệu USD. Chính phủ mới “thân EU” hiện nay của ông Denkov hy vọng lời đề nghị của Mỹ vẫn còn hiệu lực.Lập trường tránh đối đầuTổng thống Radev, người từng là một phi công lái tiêm kích MiG-29 và đứng đầu lực lượng không quân Bulgaria, duy trì lập trường tránh đối đầu với Moscow, trong khi nhiều người đồng cấp của ông ở châu Âu đã thay đổi cách tiếp cận của họ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine.Vào tháng 10 năm ngoái, khi 9 quốc gia Đông Âu bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine gia nhập NATO, ông Radev đã không ký vào tuyên bố chung. “Tôi không ký vào tuyên bố, vì tại thời điểm này, điều này có nghĩa là một cuộc chiến giữa NATO và Nga”, ông Radev giải thích.
Một hệ thống phòng không S-300 thời Liên Xô. Hệ thống phòng không này vẫn đang phục vụ trong Quân đội Bulgaria. Mỹ được cho là đã yêu cầu Sofia tặng hệ thống này cho Ukraine để nhận lại vũ khí phương Tây hiện đại hơn. Ảnh: RFE/RL
Sau nhiều tháng tranh luận chính trị sôi nổi, vào tháng 11/2022, Quốc hội Bulgaria cuối cùng đã bỏ phiếu ủng hộ việc gửi vũ khí tới Kiev, một quyết định khiến Tổng thống Radev tức giận.“Bulgaria không ủng hộ và sẽ không phải là một phần trong đơn đặt hàng chung về việc cung cấp đạn dược cho Ukraine”, ông Radev nói với các nhà báo ở Brussels, sau một Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 3 năm nay.“Bulgaria cam kết gửi đạn dược nhằm chuyển giao cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi theo yêu cầu của họ, nhưng không phải cho Ukraine. Đất nước chúng tôi sẽ hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của châu Âu để khôi phục hòa bình”.Mặc dù vậy, ông Radev cũng thừa nhận rằng đất nước ông quan tâm đến việc nâng cao sản lượng đạn dược để bổ sung kho dự trữ của chính mình và của các đồng minh.Bulgaria chắc chắn cần phải hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, bà Atanas Zapryanov, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Bulgaria, nói với RFE/RL hồi tháng 3, khẳng định phần lớn kho dự trữ của họ sắp ngừng hoạt động.“Hãy ghi nhớ lời tôi nói: Tôi đảm bảo với các vị rằng trong 5 năm nữa, người ta sẽ nói rằng những đống kim loại phế liệu này là vô dụng, và đã đến lúc chúng tôi phải vứt chúng đi và mua những món đồ mới”, bà Zapryanov nói.Minh Đức (Theo Anadolu Agency, RFE/RL, Balkan Insight)