Các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm cách chuyển nguồn cung từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương sang Mexico và Mỹ Latin. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chiến lược chuyển sản xuất về các quốc gia gần với thị trường tiêu thụ (nearshoring) có thể còn khiến họ gặp nhiều vấn đề hơn.
Họ sẽ phải tìm nhà cung cấp có đủ nguyên liệu, chất lượng sản xuất và mạng lưới phù hợp như hệ thống đã được thiết lập tại Trung Quốc hay Đông Nam Á. Các chuyên gia cho biết, việc tái lập năng lực đó và tái tạo nhóm nhà cung cấp theo chiến lược "về gần" sẽ mất nhiều năm.
Kamala Raman - Phó chủ tịch Gartner - người tư vấn cho các công ty về mạng lưới chuỗi cung ứng cho biết: "Không thể phủ nhận Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho tất cả loại đai ốc và bu lông, cũng như mọi thứ từ cơ bản đến phức tạp. Bạn không thể tái tạo hệ sinh thái đó ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới".
Công nhân tại một cơ sở sản xuất của Eaton Corp ở Mexico năm 2020. Ảnh: Bloomberg
James Hill - Phó chủ tịch cấp cao về Nguồn cung toàn cầu và Chuỗi cung ứng của Hollander Sleep Products (Florida, Mỹ) cho biết tìm kiếm nhà cung cấp là một thách thức. Nhà sản xuất chăn ga gối đệm này lâu nay tìm nguồn cung từ Mexico và Trung Mỹ để chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai khi đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Hollander đã phải rất cố gắng để có những nguyên liệu như bông và vải tổng hợp không quá đắt so với những loại được sản xuất quy mô lớn ở Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Đây là những nơi họ đang mua nguyên liệu.
"Mỹ Latin không có sẵn cơ sở hạ tầng để sản xuất loại vật liệu đó với chi phí rất thấp", ông nói, "Để phát triển sản xuất tại các quốc gia gần với thị trường tiêu thụ và tìm nguồn cung theo khu vực, chúng tôi cần xem xét các yếu tố đầu vào và sự sẵn có của nguyên liệu thô".
Chuỗi cung ứng đứt gãy trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều công ty phương Tây tìm cách chuyển hướng sản xuất về gần quê nhà. Động lực thúc đẩy dịch chuyển càng thêm mạnh mẽ khi tắc nghẽn khiến các cảng biển ùn ứ, các kệ hàng trống rỗng, các nhà máy ngừng hoạt động và hàng tỷ USD hàng hóa mắc kẹt trong các mạng lưới phân phối quá tải.
Nearshoring được cho là sẽ giúp chuỗi cung ứng chống chịu tốt hơn với những cú sốc như vậy, bằng cách rút ngắn quy trình, giúp các lô hàng không bị gián đoạn và giảm chi phí. Các nhà kinh tế của Nhà Trắng cho biết trong một báo cáo gần đây rằng nhiều thập kỷ chuyển hoạt động sản xuất sang các nước xa xôi đã khiến các chuỗi cung ứng trở nên "phức tạp và mong manh, các địa điểm trung tâm thiếu linh hoạt và ít sản phẩm thay thế".
Tuy nhiên, dịch chuyển chuỗi cung ứng đã xây dựng trong nhiều năm là một công việc phức tạp. Doanh nghiệp phải tính đến sự sẵn có và cách vận chuyển các nguyên liệu, linh kiện. Ed Barriball tại hãng tư vấn McKinsey & Co cho biết: "Khi chúng tôi nói chuyện với các công ty, nó vẫn nằm trong chương trình thảo luận của họ. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi có thể khó khăn".
Omar Troncoso tại tư vấn Kearney cho biết họ đã chứng kiến "sự gia tăng đáng kinh ngạc về số khách hàng cố gắng "nearshore" trong năm qua. Mexico là điểm đến được ưa chuộng vì gần Mỹ. Mexico cũng sở hữu cơ sở hạ tầng và mạng lưới vận tải hàng hóa có sẵn.
Theo một khảo sát gần đây của Kearney với giám đốc các công ty sản xuất của Mỹ, dù 70% CEO đã lên kế hoạch, đang cân nhắc hoặc dự kiến chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico, chỉ 17% là đã thực hiện.
Nhiều công ty nhận thấy năng lực ở Mexico có hạn. Một số thiết bị hoặc linh kiện nhất định không thể được sản xuất ở đó, ví dụ khuôn mẫu đắt tiền cho hàng nhựa phải nhập từ Trung Quốc, Troncoso nói.
"Bạn thực sự phải biết những người trong ngành và phải kết thân với các nhà cung cấp", ông cho biết, "Thành thật mà nói, bạn phải thuyết phục họ rằng việc kinh doanh của bạn là tốt cho họ, và họ nên đầu tư vào mối làm ăn này".
Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Sirius Archery Products đã thử tìm địa điểm gần hơn với loại carbon chất lượng cao cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm thấy nhà cung cấp ở Mexico, Seth Poston - Chủ tịch công ty cho biết.
Thay vào đó, họ chuyển sang Nhật Bản. Poston cho biết nếu mua của một nhà cung cấp ở Mỹ, họ sẽ phải tăng giá sản phẩm lên 40%. "Không có lựa chọn nào cho chúng tôi ở Mexico cả", ông nói.
Ngọc Thanh (theo Wall Street Journal)