Đài Loan trả lại lô mỳ ăn liền Omachi vì chứa ethylene oxide vượt ngưỡng

27/08/2022 15:29
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) thông báo trả lại1,4 tấn mỳ ăn liền Omachi từ Việt Nam để tiêu huỷ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) thông báo trả lại1,4 tấn mỳ ăn liền Omachi từ Việt Nam để tiêu huỷ.

Thông báo này được TFDA đưa ra trên cơ sở kiểm tra tại biên giới với các sản phẩm nhập khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, lô mỳ ăn liền vị tôm chua cay Omachi nhập từ Việt Nam nằm trong số 19 loại thực phẩm bị TFDA trả lại hoặc tiêu huỷ, do chứa chất ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép.

Lô mỳ Omachi này do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Đài Loan. Cơ quan chức năng Đài Loan cho biết, họ phát hiện trong gói gia vị của gói mỳ ăn liền có chứa 0,195 mg trên mỗi kg chất EO. Tổng số lượng lô hàng mỳ ăn liền Omachi bị trả lại để tiêu huỷ là hơn 1,44 tấn, tương đương 600 thùng mỳ (mỗi thùng 30 gói, khối lượng 80 gram).

Đài Loan trả lại lô mỳ ăn liền Omachi vì chứa ethylene oxide vượt ngưỡng

Một loại mỳ gói Omachi bán ở Đài Loan. Ảnh: CNA

Theo đại diện Masan Consumer - nhà sản xuất thương hiệu mỳ trên - cho biết không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mỳ Omachi xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu.

Tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên Masan Consumer cho biết các sản phẩm mỳ Omachi sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau. Việc này nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại. Tại Việt Nam, sản phẩm mỳ Omachi đang được sản xuất đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người sử dụng.

"Với các nhà phân phối, đại lý chúng tôi luôn có điều khoản quy định nghiêm ngặt trong hợp đồng phân phối, về việc không được xuất khẩu sản phẩm của thị trường này sang thị trường khác", phía Masan thông tin.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng thông tin đang xác minh vụ việc này. Cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, nhất là các yêu cầu kỹ thuật để tránh vi phạm tiêu chuẩn các nước nhập khẩu.

Tháng 8 năm ngoái, một số lô sản phẩm mỳ ăn liền của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang EU cũng bị cảnh báo và thu hồi tại một số nước do chất EO vượt ngưỡng. Một tháng trước, vài nước EU cũng phát đi cảnh báo sản phẩm mỳ ăn liền từ Việt Nam cũng với lý do này.

Tại Đài Loan, theo TDFA, chất EO hiện bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì chất này được phân loại là chất gây ung thư cấp một và việc phơi nhiễm lâu dài với chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư, và một số bệnh liên quan tới thần kinh.

Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau, như Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với EO; 940 mg/kg với 2-chloroethanol. Hàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg với thực phẩm cho trẻ sơ sinh. Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng EO trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của EO dao động 0,01-0,05 mg/kg, tuỳ mặt hàng.

Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây hại nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài.

Anh Minh - Thi HàTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Đài Loan trả lại lô mỳ ăn liền Omachi vì chứa ethylene oxide vượt ngưỡng - Kinh Doanh