Giá điện để không nhập nhèm giữa kinh doanh và phúc lợi

16/06/2023 11:03

Bỏ độc quyền sẽ giúp ngành điện phát triển như đã từng diễn ra với viễn thông, hàng không? Sẽ không còn nhập nhèm giữa kinh doanh và phúc lợi, không có người tự dưng được hưởng lợi chỉ vì sự lãng phí do cơ chế.

Được - mất của thị trường điện cạnh tranh

Dường như, có một luồng quan điểm cho rằng căn nguyên của mọi vấn đề là tình trạng độc quyền trong ngành điện và phá bỏ độc quyền sẽ giúp ngành điện phát triển như đã từng diễn ra với viễn thông, hàng không.

Chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn về cái được và mất của cạnh tranh hoá thị trường điện.

Truyền tải điện luôn là dịch vụ có tính độc quyền tự nhiên, ở mọi quốc gia trên thế giới, bất kể là độc quyền tư nhân hay độc quyền nhà nước. Nếu để doanh nghiệp độc quyền tự do, họ sẽ tăng giá lên cao để hưởng lợi nhuận còn người tiêu dùng chịu thiệt. Đây là một trong những khuyết tật của nền kinh tế thị trường và cần bàn tay hữu hình của Nhà nước can thiệp.

Cách thức can thiệp cơ bản là Nhà nước ấn định giá bán điện. Nhưng Nhà nước dựa vào đâu để đưa ra giá bán đó?

Liệu có nên tham khảo các quốc gia khác trên thế giới rồi tính toán ra giá điện trong nước không? Điều này có vẻ không khả thi vì điều kiện của mỗi quốc gia rất khác nhau.

Phương pháp định giá khả thi nhất là phương pháp chi phí. Tất cả chi phí để sản xuất, kinh doanh điện của năm trước sẽ được cộng hết lại, chia cho sản lượng điện cả năm để ra giá điện cho năm tiếp theo. Đây là cách mà không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang làm.

Giá điện để không nhập nhèm giữa kinh doanh và phúc lợi

Chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn về cái được và mất của cạnh tranh hoá thị trường điện (Ảnh: Lương Bằng)

Nhưng phương pháp này dẫn đến một hệ quả không mong muốn. Vì biết rằng đằng nào các chi phí mình bỏ ra trong năm nay cũng sẽ được hoàn lại ở năm tiếp theo, nên công ty điện lực sẽ không có động lực tiết kiệm. Nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với tình trạng công ty điện lực độc quyền chi trả lương cho nhân viên rất cao, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhất.

Nhà nước có thể thuê kiểm toán, có thể tự mình kiểm tra chi phí, nhưng rất khó để xác định được chi phí sản xuất, kinh đoanh điện có hợp lý hay không, đã được tiết kiệm chưa. Hơn nữa, bản thân cán bộ nhà nước cũng không có quá nhiều động lực để yêu cầu công ty điện lực độc quyền tiết kiệm, vì lương của cán bộ đâu có tăng khi làm việc đó?!

Người duy nhất có động lực để yêu cầu công ty điện lực tiết kiệm là người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng triệu người tiêu dùng quá nhỏ bé, thiếu chuyên môn thì không thể tham gia vào quá trình kiểm tra chi phí này. Kể cả trong trường hợp có các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay các hiệp hội doanh nghiệp sử dụng điện thì cũng vẫn không hiệu quả.

Có giải pháp nào cho vấn đề này không? Cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ điện có thể là giải pháp cho mâu thuẫn này.

Đầu tiên phải nói, cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ điện không có nghĩa là không còn độc quyền. Độc quyền tự nhiên về đường dây truyền tải vẫn còn, chỉ là khách hàng của doanh nghiệp độc quyền đó thay đổi.

Theo mô hình cạnh tranh, sẽ có một số doanh nghiệp trung gian, mua điện từ nguồn của các nhà máy, thuê đường dây của công ty truyền tải điện độc quyền “chở” điện đến và bán cho khách hàng. Người tiêu dùng khi đó sẽ được lựa chọn giữa nhiều công ty bán lẻ điện như vậy.

Các công ty bán lẻ điện này vẫn phải thuê đường dây của một doanh nghiệp độc quyền. Họ không được lựa chọn như người tiêu dùng.

Nhưng lúc này, khách hàng của công ty độc quyền không còn là hàng triệu người, mà chỉ còn là vài doanh nghiệp bán lẻ điện. Các doanh nghiệp này có chuyên môn và có động lực yêu cầu công ty độc quyền truyền tải này tiết kiệm. Nhà nước lúc này chỉ cần can thiệp để bảo đảm rằng công ty bán lẻ điện nào "lớn tiếng" yêu cầu công ty truyền tải tiết kiệm thì không bị công ty truyền tải này đối xử bất bình đẳng so với các công ty bán lẻ khác.

Như vậy, cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ điện sẽ có tác dụng chống lãng phí về đầu tư, vận hành hệ thống truyền tải.

"Vấn đề" của cạnh tranh?

Tuy nhiên, cạnh tranh hoá không phải không có vấn đề của nó.

Thứ nhất, cạnh tranh hoá sẽ làm tăng chi phí giao dịch. Có thể nhìn thấy ngay là bỗng dưng trên thị trường xuất hiện thêm một số doanh nghiệp, đi kèm với đó là nhân sự, ban bệ, chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí đàm phán, chi phí quảng cáo, chăm sóc khách hàng… Toàn bộ chi phí này sẽ được cộng vào giá rồi người tiêu dùng phải trả.

Chi phí giao dịch tăng thêm này sẽ lớn hơn hay việc không còn lãng phí sẽ lớn hơn? Nói cách khác, giá điện cuối cùng sẽ tăng hay giảm? Rất khó để trả lời câu hỏi này vì nó còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia và mức độ triệt để áp dụng mô hình mới.

Thứ hai, các doanh nghiệp bán lẻ này cũng sẽ chỉ cạnh tranh với nhau ở khu vực thành phố, nơi có sản lượng điện lớn và chi phí thuê đường dây trên mỗi đơn vị điện bán thấp. Còn tại các khu vực vùng sâu vùng xa, sản lượng điện nhỏ, chi phí cấp điện cao mà doanh thu thấp thì các doanh nghiệp bán lẻ này sẽ không mặn mà. Lúc đó, Nhà nước sẽ buộc phải can thiệp, có thể trực tiếp hoặc thông qua công ty truyền tải độc quyền kia, để cung cấp điện cho vùng sâu vùng xa.

Chính vì thế, không ít ý kiến phản đối cạnh tranh hoá bán lẻ điện bởi sẽ xuất hiện tình trạng chỗ ngon thì tư nhân nhảy vào kiếm lợi nhuận, chỗ xương xẩu thì vẫn để nhà nước độc quyền đi làm phúc lợi.

Tóm lại, cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ có cái lợi là tạo cơ chế kiểm soát chi phí của doanh nghiệp độc quyền tốt hơn, tránh lãng phí. Người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn và có xu hướng được hưởng dịch vụ hậu mãi tốt hơn. Nhưng ích lợi của người tiêu dùng đó chỉ có ở khu vực thành thị, còn tại vùng sâu, vùng xa thì chưa chắc đã có thay đổi (?). Giá điện cuối cùng, tăng hay giảm vẫn còn là một dấu hỏi.

Tuy nhiên, có một giá trị không đo được bằng tiền đó là xã hội sẽ minh bạch hơn. Sẽ không còn nhập nhèm giữa kinh doanh và phúc lợi, không có người tự dưng được hưởng lợi chỉ vì sự lãng phí do cơ chế.

Xã hội vận hành đúng nguyên tắc có làm thì mới có ăn. Đó có phải là văn minh?

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Giá điện để không nhập nhèm giữa kinh doanh và phúc lợi - Kinh Doanh