Tình trạng giá đất tăng cao, đặc biệt là "sốt đất" ảo tại các vùng ven, nông thôn khiến nhiều địa phương phải phát đi cảnh báo, công khai thông tin quy hoạch.
Tạo "sốt đất" ảo
Thời gian qua, tình trạng "sốt đất" cục bộ diễn ra ở nhiều vùng nông thôn, vùng ven trung tâm các thành phố lớn. Trong đó, có cả trường hợp một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt "sốt đất" ảo nhằm trục lợi.
Đơn cử, tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), một nhóm người lợi dụng thông tin không chính xác về việc người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, qua khảo sát, hầu hết người thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều, mà hình ảnh chen chúc đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Người dân chen lấn lấy số thứ tự để làm thủ tục đất đai tại bộ phận một cửa UBND huyện Hòa Vang sáng 4/4 (Ảnh: Mạng xã hội).
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I năm nay, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước). Sang cuối tháng 3, tại một số địa phương vùng ven Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi giá tăng từ 15 - 20% so với cuối năm 2021.
Theo Bộ Xây dựng, tình trạng này tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Nhận định về tình trạng "sốt đất" này, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, thực chất "sốt đất" thời kì này chủ yếu là "sốt đất tâm lý". Bởi lẽ, nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, trên thực tế hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng đều là những thông tin bên lề. Vì vậy, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vốn vào các khu vực đó sẽ dễ bị cuốn vào những cơn "sốt đất" ảo, "bị kích sóng", phải mua đất với giá đỉnh rồi không thanh khoản được, bị "chôn vốn" khi cơn "sốt đất" hạ nhiệt.
Nhiều địa phương cảnh báo
Mới đây, chính quyền TP Đà Nẵng phát đi cảnh báo về tình trạng tạo "sốt đất" ảo ở khu vực nông thôn để trục lợi bằng nhiều thủ đoạn. Đồng thời khuyến cáo người dân thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò để tránh những hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Theo đó, lãnh đạo cơ quan chức năng TP này cảnh báo, hiện tượng sốt đất diễn ra tại Hòa Vang là thực tế thường xảy ra đối với các đô thị đang phát triển, nhất là những vùng có tốc độ đô thị hóa cao. Về nguyên tắc, khi có một chủ trương nâng cấp hành chính của một địa phương hay thông tin có dự án đầu tư lớn tại vùng nào đó thì giá trị đất đai xung quanh dự án đó sẽ tăng theo.
Nhiều địa phương cảnh báo tình trạng "sốt đất" ảo (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Nhiều người dân suy nghĩ không đúng về việc mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi cho rằng, với những chủ trương như thế thì đương nhiên đất của mình đang là đất nông nghiệp sẽ trở thành đất đô thị.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng sẽ công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương đất đai đến người dân, đồng thời sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong việc thực hiện chia tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất.
Tương tự, tại Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng kịp thời phát hiện, tham mưu các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng đầu cơ bất động theo quy định, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án để công khai cho nhân dân biết, theo dõi, thực hiện giám sát; bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hàng loạt địa phương như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa… cũng yêu cầu các ngành và chính quyền địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu không giải quyết tách thửa cho đất nông nghiệp và kiểm soát việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Để ngăn chặn "sốt đất" ảo trên thị trường, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Đặc biệt, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định, "phân lô, bán nền" tại các khu vực không có quy hoạch, chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.